I. GIỚI THIỆU :
Chiếu sáng sự cố là bộ phận quan trọng trong hệ thống chiếu sáng của các công trình xây dựng. Đặc biệt trong các nhà sản xuất công nghiệp nơi tập trung đông người lao động với mật độ cao, có nhiều máy móc, thiết bị sản xuất và các nguyên, nhiên vật liệu, các sản phẩm, thành phẩm để ở nơi làm việc hạn chế lối vận chuyển, đi lại. Do vậy hệ thống chiếu sáng sự cố là phương tiện chỉ dẫn rất quan trọng và cần thiết khi có sự cố, mất điện, cháy nổ hoặc các rủi ro bất ngờ khác, để người lao động thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
( bố trí đèn trong hầm )
Cũng như bất kỳ một hệ thống chiếu sáng nào đó, hệ thống chiếu sáng sự cố cần bảo đảm được các chỉ tiêu định lượng và chất lượng chiếu sáng theo một chuẩn quy định phù hợp với đặc thù của hoạt động thị giác . Tại các quốc gia công nghiệp, tiên tiến, ứng với mỗi lĩnh vực công nghiệp đều có tiêu chuẩn cho hệ thống chiếu sáng sự cố riêng biệt nhưng có các chỉ tiêu định lượng, chất lượng rất cụ thể và chi tiết, trong khi đó ở Việt Nam chưa có tiêu chuẩn chiếu sáng sự cố nói chung và các tiêu chuẩn chiếu sáng sự cố cho từng lĩnh vực công nghiệp riêng biệt dẫn đến việc nghiên cứu,thiết kế, bố trí các biển báo lối thoát, đèn sự cố trong các công trình công nghiệp chưa có sự thống nhất. Điều kiện chiếu sáng sự cố thực tế ở nhiều nhà máy, xí nghiệp rất kém nhưng các cơ quan kiểm tra không có căn cứ để đánh giá. Do vậy cần thiết nghiên cứu cụ thể hóa các chỉ tiêu chiếu sáng sự cố cho các công trình nhà công nghiệp và đề suất các giải pháp chiếu sáng hiệu quả của các hệ thống chiếu sáng sự cố các công trình.
II. CÁC CHỈ TIÊU TIÊU CHUẨN CHIẾU SÁNG SỰ CỐ
2.1. Chỉ tiêu độ rọi
Việc xác định chỉ tiêu độ rọi tiêu chuẩn chiếu sáng sự cố có ý nghĩa quan trọng bởi lẽ ngoài việc đảm bảo cung cấp ánh sáng đầy đủ về cả số lượng và chất lượng dọc theo các đường thoát đủ để tạo thuận lợi cho việc di chuyển được an toàn tới cửa thoát hiểm, nó còn có ý nghĩa quyết định tới những chi phí tính toán thiết kế và vận hành hệ thống chiếu sáng.
Đối với việc xác định mức độ rọi chiếu sáng sự cố mà hoạt động thị giác không đòi hỏi phân biệt các chi tiết nhỏ, độ chính xác cao mà chủ yếu là quan sát chung, nếu áp dụng các phương pháp xác định độ rọi tiêu chuẩn theo độ nhìn rõ thường cho những kết quả không chính xác. Trong trường hợp này người ta thường áp dụng phương pháp thực nghiệm kết hợp với điều tra phỏng vấn.
Những nghiên cứu thực nghiệm quan trọng về chỉ tiêu chiếu sáng sự cố do Boyce, Simmons và Jaschinski [1] thực hiện. Các thí nghiệm sử dụng 3 tiêu chí trong đánh giá an toàn của chiếu sáng khẩn cấp là va chạm với các chướng ngại vật, thời gian thoát nạn và cảm nhận chủ quan về ánh sáng. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng mặc dù một loạt các chỉ tiêu kỹ thuật ánh sáng có thể ảnh hưởng đến sự an toàn, chỉ tiêu độ rọi có thể là thông số quan trọng nhất, dựa trên sự dung hòa các yếu tố như sự va chạm với các chướng ngại vật, thời gian thoát nạn và cảm nhận chủ quan về ánh sáng.
Các nghiên cứu đánh giá an toàn theo số va chạm với các chướng ngại vật lớn trong đường thoát luôn cho kết quả đánh giá tôt ở các mức độ rọi thấp 0,5 lx. Mặc dù các chướng ngại vật có thể tránh được ở những mức thấp này, người thử nghiệm vẫn còn do dự như phản ánh trong tốc độ chuyển động trung bình. Ở giá trị Etb=1 lx con người có khả năng di chuyển dễ dàng, nhanh chóng trong không gian ở tốc độ rất gần với tốc độ di chuyển dưới điều kiện bình thường.
Các kết quả nghiên cứu thực nghiệm đã được áp dụng đưa vào tiêu chuẩn chiếu sáng sự cố của các nước và tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay tiêu chuẩn quốc tế ISO 30061:2007 quy định độ rọi nhỏ nhất trên sàn lối thoát có chiều rộng tới 2m, không nhỏ hơn 0,5 lx ; ở tâm đường thoát giá trị độ rọi không nhỏ hơn 1 lx.
2.2. Chỉ tiêu chói lóa
Để đảm bảo môi trường ánh sáng tiện nghi, ngoài giá trị độ rọi sự cố tiêu chuẩn, người thiết kế cần tính tới các yêu cầu về chất lượng của môi trường ánh sáng bao gồm việc hạn chế chói lóa.
Trong chiếu sáng sự cố, các nguồn sáng chói như đèn có mặt trong trường nhìn có khả năng gây ra hiện tượng chói lóa mất khả năng, làm xuất hiện hiệu ứng màng mờ của mắt, gây nên suy giảm độ tương phản độ chói của hình ảnh trên võng mạc dẫn đến làm giảm độ nhìn rõ cũng như giảm tốc độ phân biệt các chi tiết nhỏ, giảm tốc độ di chuyển và khả năng an toàn thoát hiểm trong trường hợp có sự cố. Do đó cần thiết đánh giá và hạn chế hiện tượng này.
Một số nghiên cứu thực nghiệm về độ suy giảm độ nhìn rõ trong điều kiện chiếu sáng có các nguồn chói với mức độ khác nhau và thay đổi vị trí so với hướng nhìn được thực hiện tiêu biểu là nghiên cứu của Holladay.
Mô hình thực nghiệm về màng mờ của Holladay được công nhận tại Hội nghị lần thứ 9 của Ủy ban Chiếu sáng quốc tế. Holladay đã xác định độ chói màng mờ, được tạo thành từ nguồn sáng điểm trong trường nhìn qua biểu thức (1) sau:
Trong đó: b- Độ chói màng mờ
Em- là độ rọi tại mắt do nguồn chói gây nên
q - là góc giữa nguồn chói với hướng nhìn.
m- hệ số phụ thuộc độ chói của nguồn.
Để giảm tác động chói lóa mất khả năng, cần hạn chế giá trị cường độ sáng của đèn trong trường nhìn theo hướng quan sát.
Từ những năm 70, các tiêu chuẩn chiếu sáng của nước ngoài như Anh, Mỹ… đã đưa ra các khuyến nghị về chiều cao treo đèn nhỏ nhất phụ thuộc vào giá trị cường độ sáng của đèn. Từ năm 1971, tiêu chuẩn của Nga đưa ra các yêu cầu định lượng về hạn chế tác động chói lóa của các nguồn chói bằng các mức giới hạn của chỉ số chói lóa. Hiện nay các tiêu chuẩn quốc tế về chiếu sáng sự cố như ISO 30061 :2007 hoặc tiêu chuẩn của các quốc gia công nghiệp như Anh, Úc giới hạn giá trị cường độ ánh sáng lớn nhất theo chiều cao treo đèn, được quy định trong bảng 1:
Đối với các lối thoát nạn khẩn cấp trên mặt phẳng nằm ngang, hoặc khu vực sản xuất khi góc quan sát q tương ứng với góc từ 60 đến 90 theo phương thẳng đứng của đèn (hình 2), giá trị cường độ sáng của đèn cần hạn chế theo bảng 1. Đối với trường hợp đường thoát nạn là cầu thang, khi đó cần hạn chế giá trị cường độ sáng đối với mọi góc quan sát, do nguồn chói lóa hoàn toàn nằm trong trường nhìn (hình 3).
3. Yêu cầu phân biệt màu sắc:
Một trong những yêu cầu về chất lượng môi trường chiếu sáng khi có sự cố là bảo đảm điều kiện nhận biết đúng màu sắc của các biển báo và thiết bị an toàn trong nhà xưởng, dọc theo lối thoát.
Để đánh giá chất lượng ánh sáng theo yêu cầu phân biệt màu sắc người ta sử dụng chỉ số hiển thị màu Ra. Chỉ số này biểu thị mức độ phản ánh đúng màu sắc của vật thể trong điều kiện chiếu sáng thực tế so với điều kiện chiếu sáng bằng nguồn chuẩn. Trong trường hợp chiếu sáng sự cố, để xác định rõ màu sắc an toàn của các biển báo, thiết bị an toàn, các nguồn sáng có chỉ số Ra > 40 là thích hợp.
III. GIẢI PHÁP CHIẾU SÁNG SỰ CỐ ĐẢM BẢO CÁC CHỈ TIÊU ÁNH SÁNG VÀ CHẤT LƯỢNG ÁNH SÁNG
Chiếu sáng sự cố thường có hai thành phần, biển thoát hiểm EXIT và đèn chiếu sáng lối thoát. Để đảm bảo các chỉ tiêu ánh sáng đã đề xuất nêu trên khi thiết kế hệ thống chiếu sáng sự cố cần lựa chọn các giải pháp kỹ thuật sau đây.
3.1. Lựa chọn hệ thống chiếu sáng sự cố:
Có hai hệ thống chiếu sáng sự cố thường được sử dụng :
- Hệ thống đèn sự cố độc lập
- Hệ thống đèn sự cố điều khiển trung tâm.
Hình thức vận hành của các hệ thống này là duy trì, không duy trì hoặc kết hợp
Hệ thống đèn sự cố trung tâm sử dụng một buồng ácquy và thiết bị điều khiển để chuyển đổi điện áp ácquy thành dòng điện xoay chiều ở điện áp và tần số thích hợp. Ưu điểm chính của hệ thống này là sự lựa chọn đèn ít bị hạn chế do lưới điện chuẩn được sử dụng, hiệu suất phát quang cao.
Hệ thống độc lập sử dụng các đèn chiếu sáng độc lập, cung cấp chiếu sáng sự cố duy trì hoặc không duy trì, tất cả các thành phần: ácquy, bóng đèn, bộ phận điều khiển, thử nghiệm và cơ cấu giám sát, được cung cấp, chứa đựng trong đèn hoặc vùng lân cận (bán kính 1m). Hệ thống độc lập không tốn kém, dễ dàng lắp đặt và thích nghi, thích hợp sử dụng trong các công trình nhỏ.
Việc chọn lựa giữa hệ thống độc lập, và các hệ thống chuyển đổi được thực hiện trên cơ sở các đánh giá thiết bị với các chi phí bảo dưỡng, lắp đặt. Nhìn chung hệ thống độc lập thông thường phù hợp nhất với các công trình nhỏ mặc dù ácquy có tuổi thọ ngắn và cần thay đổi sau 4 năm. Trong trường hợp công trình có yêu cầu số lượng đèn lớn, khi đó chi phí thiết bị của hệ thống ácquy trung tâm có thể thấp hơn so với hệ thống độc lập nhưng kèm theo là yêu cầu sự bảo trì tổi thiểu. Hệ thống trung tâm nhỏ sử dụng ácquy axít – chì kín với tuổi thọ khoảng từ 4 đến 7 năm trong khi đó hệ thống chuyển đổi trung tâm lớn có tuổi thọ đến 25 năm.
3.2. Lựa chọn nguồn sáng:
Để chiếu sáng sự cố, nguồn sáng chủ yếu thường là các bóng đèn nung sáng, halogen nung sáng, huỳnh quang hoặc LED. Các bóng đèn LED, nung sáng và halogen nung sáng có ưu điểm là tắt-bật tức thời, thích hợp sử dụng trong các đèn sự cố độc lập, bóng đèn huỳnh quang được sử dụng trong các hệ thống đèn sự cố trung tâm cần khởi động trong chế độ sự cố không cần sự hỗ trợ của bộ khởi động.
Để định rõ màu sắc an toàn, giá trị nhỏ nhất cho chỉ số truyền màu của nguồn sáng trong trường hợp đèn chiếu sáng sự cố sẽ là Ra > 40, các bóng đèn nung sáng, halogen nung sáng có ánh sáng ban ngày, có chỉ số truyền màu cao , đáp ứng nhu cầu phân biệt màu sắc an toàn của các thiết bị an toàn, tuy nhiên hiệu suất phát quang và tuổi thọ của bóng đèn thấp. Bóng đèn huỳnh quang phổ biến có đèn ánh sáng ban ngày, ánh sáng trắng, trắng lạnh, trắng ấm thì nên sử dụng đèn ánh sáng ban ngày. Đèn LED được sử dụng rộng rãi trong các biển báo lối thoát hiểm và đèn sự cố độc lập do tuổi thọ cao.
3.3. Chọn loại đèn chiếu sáng:
Đèn chiếu sáng sự cố cần đảm bảo các chức năng an toàn phù hợp với các quy định trong tiêu chuẩn IEC 60598-2-22 như cung cấp 50% các chỉ tiêu ánh sáng tiêu chuẩn trong khoảng thời gian 5s sau khi nguồn cấp thông thường bị lỗi, và đạt 100% sau 60s và tiếp tục đến hết trong suốt thời gian xẩy ra sự cố. Chiếu sáng sự cố sử dụng cho khu vực nguy cơ cao cần phải đạt được các chỉ tiêu ánh sáng tiêu chuẩn trong vòng 0.25s sau khi nguồn thông thường bị lỗi và duy trì cho đến hết thời gian sự cố tối thiểu là 60 min.
3.4. Biển báo lối thoát hiểm : Biển báo lối thoát hiểm dùng điện phải đáp ứng các yêu cầu như sau:
a. Về hình dáng, biểu tượng và thông tin chữ của biển báo lối thoát:
Các biểu tượng cơ bản của biển báo lối thoát được lựa chọn có hình vuông bao gồm các hình người chạy ra cửa thoát hiểm và hướng mũi tên, được quy định theo tiêu chuẩn ISO 7010: 2003 E :
b. Màu sắc: Màu sắc của biển báo lối thoát được lựa chọn theo quy định của tiêu chuẩn quốc tế ISO 3864-1:2002. Trong đó màu sắc tiêu chuẩn của biển báo được quy định là màu xanh lục, màu tương phản là màu trắng.
- Điều kiện chiếu sáng biển báo:
Điều kiện chiếu sáng tối thiểu nhằm đảm bảo độ nhìn rõ biển báo lối thoát trong trường hợp khẩn cấp, môi trường xung quanh tối, được quy định trong tiêu chuẩn ISO 30061:2007 E. Tiêu chuẩn này quy định giá trị độ chói nhỏ nhất của vùng màu xanh của biển báo là 2 cd/m2 , và 10 cd/m2 trong môi trường có xem xét đến khói cháy .
3.5. Vị trí bố trí đèn chiếu sáng sự cố, biển báo lối thoát:
Các biển báo an toàn được bố trí tại tất cả các cửa thoát dùng trong trường hợp khẩn cấp và dọc theo lối thoát nhằm chỉ dẫn rõ ràng lối thoát tới vị trí an toàn.
Phải có đèn chiếu sáng để phân tán người ở các vị trí sau:
- Tại mỗi cửa thoát được sử dụng trong trường hợp khấn cấp.
- Tại cầu thang, sao cho mỗi bậc thang đặc biệt là bậc đầu tiên và bậc cuối cùng được chiếu sáng trực tiếp từ đèn.
- Tại các cửa thoát khẩn cấp bắt buộc và các vị trí có biển báo an toàn.
- Những nơi rẽ, chuyển hướng thoát
- Các chỗ giao của hành lang
- Những nơi bố trí cửa thoát cuối cùng
- Tại các điểm cấp cứu.
- Tại những nơi có các thiết bị báo cháy và điện thoại khẩn cấp.
- Những nơi có nguy cơ có khói cháy cao, khi đó đèn chiếu sáng được khuyến nghị treo cách trần nhà ít nhất 0,5m
IV. KẾT LUẬN
Như vậy các giải pháp chiếu sáng sự cố cần đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu định lượng và chất lượng ánh sáng. Bên cạnh đó các yêu cầu kỹ thuật của đèn sự cố, biển báo lối thoái và vị trí lắp đặt cũng phải đảm bảo khi thiết kế hệ thống chiếu sáng sự cố nói riêng và hệ thống chiếu sáng nói chung. Trên cơ sở đó mới đảm bảo an toàn thoát nạn cho người lao động khi có sự cố xẩy ra .